So sánh chi tiết xe Nissan Navara 2015 và Toyota Hilux 2016
Danh sách các tính năng an toàn của Navara VL nhỉnh hơn đôi chút với tính năng hỗ trợ đổ đèo, phanh chủ động chống trượt bánh và camera
Những chiếc bán tải ngày nay với xu hướng tiện nghi hơn, đa dụng hơn và nhất là mức thuế ưu đãi riêng biệt đang dần trở thành sự lựa chọn hoàn hảo cho khách hàng. Bài so sánh sau sẽ mang đến cho bạn hai chiếc pick-up đến từ Nhật Bản: “Vua bán tải” Navara 2015 và “Kẻ chinh phục” Hilux 2016 với mỗi người mỗi vẻ, cả hai với những đổi mới nâng cấp đều hướng đến mục tiêu chinh phục người tiêu dùng và thách thức đối thủ đang thống lĩnh phân khúc là Ford Ranger 2016. Nissan Navara 2015 và Toyota Hilux 2016 đều có ba phiên bản, và để cuộc tranh tài cân sức thì hai phiên ba được chọn ra sẽ là NP300 Navara VL 2.5 AT 4WD và Hilux 3.0G 4×4 AT với đầy đủ những trang bị từ nhà sản xuất.
Giá bán
Có thể nói Toyota luôn “đứng đầu về giá” dù ở phân khúc nào, và Hilux 2016 3.0G cũng không ngoại lệ khi có giá công bố cao hơn các đối thủ khác chứ không riêng gì NP300 Navara 2015. Cụ thể giá bán của hai mẫu xe như sau:
Nissan NP300 Navara 2015 VL 2.5 AT 4WD: 795 triệu đồng
Toyota Hilux 2016 3.0G 4×4 AT: 914 triệu đồng.
Ngoại thất
Nhìn qua các thông số kích thước, điểm đáng chú ý là dù cho có chiều dài tổng thể kém hơn nhưng NP300 lại có khoảng cách hai trục xa hơn so với Hilux, phần nào mang đến khả năng vận hành ổn định và linh hoạt hơn. Đổi lại chiếc bán tải của Toyota có khoảng sáng gầm xe nhiều hơn 56 mm cũng như thùng hàng to hơn, đây có lẽ sẽ là yếu tố ban đầu ảnh hưởng đến quyết định mua xe của người tiêu dùng khi có nhu cầu vận chuyển hàng hóa thường xuyên.
Nissan và Toyota đều mang đến cho thế hệ bán tải mới của mình những thay đổi đáng kể về mặt phong cách, nhìn chung Navara và Hilux trở nên cứng cáp và nam tính với những đường gân đầy đặn, bóng bẩy cũng như nổi bật hơn với những chi tiết trang trí tinh tế khắp thân xe.
Nhìn từ phía trước, Hilux không quá kém cạnh so với “khủng long” Navara về độ ngầu với phần cản trước hầm hố hay sự lịch lãm của lưới tản nhiệt mạ chrome, ngoài ra thì Toyota còn tạo điểm nhấn với hốc hút gió đặc trưng trên nắp capo. Trang bị chiếu sáng có thể phần nào giải thích cho mức chênh lệch về mặt kinh tế giữa hai đối thủ, khi mà Hilux 3.0G không chỉ có được đèn LED Projector tự động bật tắt, đèn LED chạy ban ngày và chế độ chờ dẫn đường như Navara VL mà còn đi kèm đèn chiếu xa Halogen phản xạ đa chiều và khả năng tự điều chỉnh góc chiếu.
Tiến sang bên cạnh, hai mẫu bán tải khá tương đồng về mặt trang bị với tay nắm cửa hay gương chiếu hậu mạ chrome sang trọng, gương chiếu hậu có tích hợp đèn báo rẽ cùng chỉnh/gập điện và bậc lên xuống dành cho hành khách.
Ở góc nhìn này Navara VL lại bộc rõ chất bán tải hơn đối thủ khi có gá nóc và vòm bánh xe “cơ bắp” đi cùng bộ la-zăng hợp kim 18 inch thiết kế cá tính so với mâm bánh xe 17 inch khá đơn giản của Hilux 3.0G.
Phần đuôi xe của Navara và Hilux được thiết kế đơn giản đúng với tinh thần bán tải với hai dải đèn báo phanh đặt dọc sát bên cửa thùng hàng, tay nắm cửa và cản sau tạo điểm nhấn bằng việc bọc chrome sang trọng. Có thể kể đến đôi chút khác biệt khi bậc lên xuống của Hilux được bố trí thấp và thuận tiện hơn cho việc lên xuống, còn đèn báo phanh phụ dạng LED ở NP300 nằm phía trên cao mui xe thay vì tích hợp ngay trên cửa sau như đối thủ.
Nội thất
Bên trong khoang lái, cả hai hãng xe Nhật Bản đồng thời mang đến sự thoải mái và tiện nghi tối đa ở phiên bản bán tải cao cấp nhất của mình, không gian rộng rãi được bố trí hợp lý đi cùng các tính năng hiện đại sẽ đáp ứng tốt các nhu cầu sử dụng khác nhau của khách hàng. Cả Navara VL và Hilux 3.0G đều có ghế lái chỉnh điện 8 hướng và ghế phụ chỉnh cơ 4 hướng, tuy nhiên người ngồi trên NP300 được chăm sóc tối đa khi ghế đã được nghiên cứu và thiết kế nhằm hỗ trợ xương sống theo tiêu chuẩn của NASA.
Hành khách phía sau có thể tận hưởng chuyến đi khi Nissan và Toyota đều có trang bị hốc gió phụ, và theo cảm nhận riêng thì hàng ghế sau của Navara có độ nghiêng tựa lưng thoải mái hơn đôi chút so với đối thủ, đổi lại, Hilux khôn ngoan hơn khi trang bị 3 tựa đầu cho hàng ghế sau so với 2 của Navara. Ngoài ra thì lưng hàng ghế sau của Navara tuy không có bệ tì tay như Hilux nhưng có thể gập lại để bạn có thể chứa được thêm một vài món đồ cồng kềnh bên trong cabin.
Bảng tab-lo đối lập về phong cách bố trí, nếu Navara VL với tạo hình một đôi cánh mở rộng thanh thoát về hai bên khoang lái tạo nên cảm giác cân đối hài hòa thì Hilux 3.0G lại có xu hướng dồn các chi tiết về bên người lái, các chi tiết ống nhựa trang trí trông trẻ trung và bắt mắt hơn đối thủ. Những nút chức năng được sắp xếp khoa học và gọn gàng nên việc sử dụng ở hai mẫu xe không quá khó khăn, bên cạnh đó thì Toyota chỉ mang đến màn hình TFT đơn sắc mà không trang bị cho chiếc bán tải của mình màn hình đa thông tin 5 inch như đối thủ.
Cả hai tay lái đều là dạng ba chấu bọc da và được tích hợp các nút điều khiển âm thanh/đàm thoại rảnh tay và ở Navara VL có thêm chức năng cài đặt kiểm soát hành trình, bên cạnh đó Nissan tiếp tục sử dụng các đường nét mềm mại ở tạo hình vô-lăng trong khi Toyota mang đến sự cứng cáp và gãy gọn phù hợp với phong cách của bảng điều khiển.
Thiết kế bảng tap-lô khác biệt nhưng hai đối thủ lại thể hiện sự tương đồng ở bảng đồng hồ với thiết kế hai cụm vận tốc/vòng tua đối xứng qua màn hình TFT đa thông tin, giúp người lái dễ dàng quan sát các thông số và tình trạng hoạt động của xe, và về mặt này, Navara trông thời trang hơn với đường viền nhũ bạc nổi bật. Ngoài ra thì cần số của Navara và Hilux được bố trí gọn gàng và cho cảm giác chắc tay khi thao tác.
Trang bị tiện nghi
Về mặt giải trí, có lẽ Toyota nhỉnh hơn một bậc so với Nissan, dù cả hai đều trang bị dàn âm thanh 6 loa nhưng ngoài hỗ trợ chơi nhạc MP3, kết nối AUX/USB và Bluetooth thì Hilux 3.0G còn có đầu CD 1 đĩa và hỗ trợ nhạc WMA. Bù lại, Navara VL có hệ thống điều hòa tự động 2 vùng độc lập đi kèm tính năng lọc bụi bẩn so với điều hòa tự động đơn vùng của đối thủ.
Các trang bị tiện nghi khác có thể gọi là khá tương đồng, có thể kể đến như chìa khóa thông minh đi cùng nút bấm khởi động, kính sau sấy điện, gương chiếu hậu bên trong chống chói tự động ở Navara VL và hai chế độ ngày đêm của Hilux 3.0G. Các vị trí để đồ, khay để ly cũng được bố trí khắp xe nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng của hành khách trong những chuyến đi dài.
Động cơ – Vận hành
Hilux 3.0G tuy được “thay áo” nhưng tiếp tục sử dụng động cơ diesel 3.0L của thế hệ đàn anh và được Toyota tinh chỉnh nhằm cải thiện hiệu năng nhưng khi đặt cạnh sức mạnh đến từ đối thủ đồng hương vẫn thua kém khá nhiều khi Nissan mang đến dung tích động cơ 2.5L đi cùng bộ tăng áp Turbo VGS. Nhờ đó mà độ vọt, sức kéo, khả năng đi đường xấu hay tải nặng của Navara VL là hoàn toàn vượt trội.
Không chỉ vậy hộp số tự động 5 cấp của Hilux rõ ràng khó lòng sánh được với hộp số tự động 7 cấp đi cùng chế độ chuyển số tay của NP300, nhất là độ mượt mà và nhanh nhạy khi di chuyển trong đô thị hay trên cao tốc. Về tay lái thì cả hai đều có hệ thống trợ lực dầu, riêng Nissan còn bổ sung thêm tính năng kiểm soát vòng quay động cơ, nhưng đây chưa hẳn lại là lợi thế khi mà cảm giác lái và phản hồi từ mặt đường bị “lược bớt” khá nhiều.
Về mặt off-road thì cả hai đều có hệ thống truyền động 4 bánh bán thời gian và gài cầu điện tử ba chế độ, và nếu Nissan trang bị tính năng hạn chế trơn trượt cho vi sai LSD thì Toyota mang đến hệ thống kiểm soát lực kéo nhằm hỗ trợ tốt hơn cho hai chiếc bán tải trên những cung đường xấu.
An toàn
Danh sách các tính năng an toàn của Navara VL nhỉnh hơn đôi chút với tính năng hỗ trợ đổ đèo, phanh chủ động chống trượt bánh và camera lùi nhưng Nissan lại chỉ cung cấp 2 túi khí so với 7 túi của Hilux 3.0G, rõ ràng điều này khiến khách hàng khá khó xử khi xét đến sự bảo vệ cho mình cũng như người thân.
Các trang bị khác mà Toyota cung cấp có thể kể đến như ghế có cấu trúc giảm chấn thương cổ, cột tay lái tự đổ và móc ghế trẻ em ISOFIX, Nissan lại có giảm chấn vùng đầu chủ động, khóa cửa sau trẻ em và thanh gia cường tại các cửa.
Kết luận
Tuy cả hai đều mang đến diện mạo mới nhưng có lẽ chỉ Navara 2015 là thật sự lột xác, nhằm khẳng định lại vị thế của mình trong lòng khách hàng với phong cách bụi bặm nhưng không kém phần hiện đại, động cơ mạnh mẽ cho khả năng vận hành cơ động ở những điều kiện đường xá khác nhau dù là ở đô thị hay thử sức với những chuyến đi thám hiểm.
Hilux 2016 dù thể hiện được phần nào sự đột phá về thiết kế ngoại thất cũng như nâng cấp về mặt trang bị nhưng có thể thấy Toyota vẫn đang sử dụng chiến lược “bình mới rượu cũ” nhờ vào lợi thế về mặt thương hiệu, sự bền bỉ của động cơ diesel 3.0 nhằm thuyết phục người tiêu dùng về một chiếc bán tải có thể phục vụ tốt việc đi lại và vận chuyển đơn giản hằng ngày.
Leave a Reply